Lấy lại mật khẩu
x
Góp ý cho Welearn
x

    Dàn Ý Và Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Về Chủ Đề An Toàn Giao Thông

    04.03.2022
    WElearn Wind
    5/5 - (1 vote)

    “An toàn giao thông” luôn là chủ đề nóng hổi trong xã hội hiện nay. Cũng chính vì lý do này mà chủ đề này thường xuyên xuất hiện ở những bài nghị luận xã hội. Do đó, hôm nay WElearn gia sư sẽ giúp gợi ý cho bạn cách lập dàn ý nghị luận xã hội về an toàn giao thông và những bài văn mẫu để tham khảo nhé!

    >>>> Xem thêm: Gia sư môn Ngữ Văn

    1. Dàn ý đại cương nghị luận xã hội về an toàn giao thông

    Mở bài: Dẫn dắt vào vấn đề

    Thân bài

    • Giải thích về an toàn giao thông là gì?
    • Thực trạng về an toàn giao thông ở Việt Nam
    • Nguyên nhân xảy ra những tai nạn giao thông
    • Hậu quả của những tai nạn giao thông
    • Biện pháp khắc phục

    Kết bài: Đánh giá lại về mức độ nguy hiểm của tai nạn giao thông và rút ra bài học

    2. Dàn ý chi tiết nghị luận xã hội về an toàn giao thông

    2.1. Mở bài

    • Dẫn dắt vấn đề: Xã hội phát triển → kéo theo nhiều vấn đề phát sinh.
    • Nêu vấn đề: Một trong số đó là vấn đề về số ca tử vong do tai nạn giao thông ngày càng tăng

    2.2. Thân bài

    Giải thích an toàn giao thông là gì?

    • Là đảm bảo cho những người khi tham gia giao thông đường bộ không bị thương hoặc tử vong do tai nạn giao thông gây ra.
    • Khi tham gia giao thông, người cầm lái các phương tiện di chuyển cần tuân thủ luật giao thông để bảo đảm an toàn giao thông.

    Thực trạng về an toàn giao thông ở nước ta: theo thống kê của cục CSGT từ ngày 15-12-2020 đến 14-6-2021

    • Toàn quốc xảy ra 6.340 vụ tai nạn giao thông, 
    • Số người chết 3.192 người, 
    • Số người bị thương 4.475 người. 

    → So với cùng kỳ năm 2020 giảm 580 vụ (-8,38%), giảm 90 người chết (-2,74%), giảm 570 người bị thương (-11,29%).

    Thực trạng tai nạn giao thông

    Thực trạng tai nạn giao thông

    Nguyên nhân

    • Chủ quan: 
      • Coi thường luật ATGT
      • Vi phạm các luật ATGT như uống rượu bia, vượt đèn đỏ,…
      • Không có ý thức
      • Không am hiểu luật ATGT
      • Do nhiều người còn có quan niệm về số mệnh mà không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông đều có thể phòng tránh được
      • Sử dụng phương tiện giao thông ko đảm bảo an toàn
      • Tình trạng lạng lách, đánh võng
    • Khách quan
      • Do gia đình và nhà trường
        • Không giáo dục kỹ
        • Con chưa đủ tuổi nhưng vẫn đưa xe cho con chạy
        • Không quản con
        • Không giáo dục tốt về ATGT 
    • Do xã hội
      • Cơ sở hạ tầng kém
      • Không kiểm tra gắt về chất lượng của phương tiện giao thông
      • Chưa xử lý kiêm các hành vi vi phạm giao thông
    • Hậu quả
      • Gây thiệt mạng nhiều người đặc biệt là những người “chết oan”
      • Gây đổ vỡ gia đình
      • Xảy ra tình trạng con mất cha, vợ mất chồng,…
      • Để lại nỗi đau lớn về thể xác và tinh thần
      • Ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước với những người bạn ngoại quốc
      • Gây ùn tắc giao thông
      • Thiệt hại về của

    Biện pháp khắc phục (lưu ý: nguyên nhân nào, biện pháp đó)

    • Bản thân
      • Tự giác tuân thủ luật giao thông
      • Học để có kiến thức về luật ATGT
      • Có ý thức và trách nhiệm với hành vi của mình
      • Thường xuyên kiểm tra chất lượng của phương tiện giao thông
    • Gia đình và nhà trường:
      • Giáo dục thật kỹ về luật ATGT
      • Không đưa xe cho con khi không đủ tuổi hoặc đang say xỉn
      • Nâng cao nhận thức của học sinh bằng cách tổ chức những buổi học ngoại khóa về ATGT và tái hiện lại hậu quả của tai nạn giao thông
    • Xã hội
      • Nâng cao cơ sở vật chất của các công trình
      • Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
      • Tuyên truyền, giáo dục cho người dân về ATGT
      • Kiểm tra gắt chất lượng của phương tiện giao thông nghiêm ngặt

    2.3. Kết bài

    • Xử lý vấn đề về tai nạn giao thông là cấp bách
    • Tự mình chấp hành tốt luật ATGT để bảo vệ cho bản thân và xã hội

    3. Một số bài văn mẫu nghị luận xã hội về an toàn giao thông

    3.1. Bài mẫu 1

    Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đi lên bao nhiêu thì các phương tiện giao thông hiện đại càng phổ biến bấy nhiêu kéo theo đó là sự đông đúc trên đường phố cùng với tai nạn giao thông ngày càng tăng lên đáng kể. Vì vậy, vấn đề an toàn giao thông thực sự là một vấn đề quan trọng của nhân loại.

    An toàn giao thông là cụm từ dùng để chỉ các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông và phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Không chỉ là một thuật ngữ pháp luật, an toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia giao thông trên mọi phương tiện.

    Hiện nay, mỗi ngày chúng ta có thể thống kê được rất nhiều những vụ tai nạn giao thông để lại nhiều hậu quả đáng buồn. Tại sao việc an toàn giao thông lại khó đến vậy? Nguyên nhân điều này là do đâu? Đó là do người dân không chỉ chủ quan mà còn thiếu ý thức trách nhiệm trong khi tham gia giao thông, chỉ chấp hành luật khi thấy có công an giao thông canh phòng, nếu sơ hở là sẵn sàng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm,… Rất nhiều xe lưu thông trên đường mà không bao giờ dùng tới xi nhanh, đèn hiệu, còi,… Nhất là tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của tay lái và gây tai nạn. Những tai nạn gây ra hầu hết đều là do sự vô ý thức của chính người dân và đã thiệt hại rất nhiều về người và của. Không ít những trường hợp mà mẹ mất con, con mất cha, gia đình đau xót, cá nhân mất mát sau những tai nạn như vậy, người còn sống cũng ít nhiều để lại những hậu di chứng về sau. Đó đều là mất mát do tai nạn giao thông gây nên.

    Để lại nhiều hậu quả đau lòng như vậy, rõ ràng an toàn giao thông đóng một vai trò quan trọng cho cá nhân và cho xã hội. Việc chấp hành các nội dung trong điều luật về an toàn giao thông sẽ góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra một cách đáng kể. Tai nạn giảm thiếu, số người chết và bị thương do những tai nạn gây ra cũng giảm theo và bớt đi phần nào những nỗi đau đớn mất mát mà gia đình và cá nhân phải chịu đựng khi có một người vì tai nạn giao thông mà mất đi sinh mạng hoặc di tật cả đời. Thêm vào đó, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng là giảm thiểu chi phí do việc này gây ra. Đối với một xã hội mà an toàn giao thông được giữ vững, luật giao thông được chấp hành, người tham gia giao thông có ý thức và an toàn thì nhất định là một xã hội ngày càng đi lên.

    Mỗi chúng ta để thực hiện được an toàn giao thông thì cần tự xác lập cho mình ý thức trách nhiệm về việc chấp hành những quy định khi tham gia giao thông. Quy định được đặt ra không chỉ để chấp hành mà là những quy chuẩn nhất định để bảo vệ sự an toàn của chúng ta vì vậy hãy chấp hành nó là vì sự an toàn của chính mình, đừng đối phó hay chống đối, điều này không có ích lợi cho ai cả. Những điều như không vượt đèn đỏ, tốc độ đúng quy định, không dùng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông,… cần được nghiêm túc chấp hành để tạo nền móng cho một xã hội văn mình an toàn.

    Nhưng ngày nay, không thiếu những hành vi coi thường luật giao thông để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Những hành vi ấy nhất định cần có biện pháp xử lí đích đáng.

    “Phía trước tay lái là cuộc sống”. Hãy nhớ khẩu hiệu đó và luôn có ý thức trách nhiệm giữ an toàn giao thông cho người khác ở mọi lúc mọi nơi.

    3.2. Bài mẫu 2

    Đất nước ta đang phát triển khá nhanh nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế và đời sống xã hội, nhưng lĩnh vực giao thông thì dường như không đáp ứng kịp yêu cầu của thời đại. Tình trạng tai nạn giao thông hiện nay đã đến mức báo động đỏ và được xếp vào “thứ hạng cao” trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, vấn nạn này đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông? Đó là câu hỏi lớn đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người.

    Giao thông ở Việt Nam hiện nay được coi là lĩnh vực tồi tệ nhất bởi những tai nạn giao thông khủng khiếp thường xuyên xảy ra. Người ta không khỏi rùng mình trước những thông tin đáng sợ về sự thiệt hại người và của do tai nạn giao thông gây ra hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 35 người chết, mỗi năm hơn chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Quả là một con số khủng khiếp! Chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm nhưng chúng ta lại rơi vào một thảm họa không kém đau thương, tang tóc. Có lẽ tai nạn giao thông cũng là một thứ giặc mà chúng ta phải luôn luôn đối mặt. Tai nạn giao thông không chỉ gieo rắc đau thương, làm tan vỡ hạnh phúc của bao gia đinh mà còn gây thiệt hại to lớn về vật chất và tinh thần cho cả xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng đã ảnh hưởng không tốt tới sự nhìn nhận, đánh giá tình hình phát triển của Việt Nam và gây khó khăn trong việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta. Nhiều du khách khi được hỏi về những điều chưa được ở Việt Nam thì họ đều trả lời giống nhau ở chỗ điều đáng ngại nhất là an toàn giao thông quá kém. Họ rất sợ phải đi bộ băng qua đường vì xe cộ chạy ào ào, bất chấp đèn đỏ. Liệu đất nước Việt Nam xinh đẹp, con người Việt Nam thân thiện có tạo được cảm tình với du khách để họ còn muốn quay lại? Theo con số thống kê của ngành du lịch thì hơn 70% du khách không muốn trở lại vì nhiều lí do, mà một trong những lí do đáng kể là tình trạng giao thông không bảo đảm an toàn. Rõ ràng, mất an toàn giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, nhất là đối với ngành du lịch. Làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đến của bạn bè quốc tế? Câu trả lời một phần thuộc về tình trạng an toàn giao thông.

    Hậu quả vi phạm giao thông

    Hậu quả vi phạm giao thông

    Nguyên nhân của tình trạng mất an toàn giao thông thì có rất nhiều. Trước hết là ở nhận thức và thái độ tự giác chấp hành luật lệ giao thông của người dân quá kém. Khi lưu thông trên đường, ai cũng chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ tới người khác. Cho nên mới xảy ra tình trạng không chịu nhường nhau chỗ ngã ba ngã tư nên gây tắc đường hằng giờ; hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách gây ra tai nạn cho bản thân và cho người cùng lưu thông trên đường xảy ra thường xuyên. Một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng cầu đường không bảo đảm an toàn, cầu cũ, cầu yếu, cầu có tải trọng thấp quá nhiều, trong khi lưu lượng người và xe qua lại quá lớn. Đường giao thông huyết mạch nối liền các vùng Một nguyên nhân nữa là sự tha hóa của không ít người có trách nhiệm giám sát giao thông. Vì tư lợi, họ sẵn sàng làm ngơ trước các đối tượng vi phạm luật như dùng phương tiện chuyên chở đã quá hạn sử dụng, chở hành khách, hàng hóa quá quy định, chạy quá tốc độ cho phép… Như thế là họ đã cố tình tiếp tay cho tiêu cực và điều tất yếu là tai nạn giao thông ngày càng tăng lên. Cao hơn nữa là một số quan chức của ngành giao thông chưa làm hết trách nhiệm của mình trước nhân dân và đất nước, thậm chí còn vi phạm nặng nề mà vụ án PMU 18 vừa qua là một ví dụ điển hình.

    Để bảo đảm an toàn giao thông, cần phải có những biện pháp thích hợp và đồng bộ. Trước hết, cần phải tăng cường việc tuyên truyền giáo dục công dân về luật giao thông, nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành luật. Nhắc nhở, bắt buộc mọi người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Ngoài ra, phải có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những người cố tình vi phạm luật. Mặt khác, cần làm trong sạch lực lượng cảnh sát giao thông, nghiêm trị những kẻ cậy chức cậy quyền, làm trái quy định của Nhà nước. Yếu tố quan trọng có tầm chiến lược là nâng cao chất lượng đường xá, cầu cống để đảm bảo lưu thông thuận lợi và giảm thiểu tai nạn. Điều này góp phần rất lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với thế giới của đất nước ta.

    An toàn giao thông hiện nay là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm vì nó tác động rất lớn tới sự nghiệp xây dựng một quốc gia giàu mạnh. Mỗi công dân phải tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông để góp phần làm cho xã hội trở nên văn minh, hiện đại.

    3.3. Bài mẫu 3

    Đã gần nửa thế kỉ trôi qua từ ngày đất nước ta ngừng tiếng bom tiếng súng, mọi nguồn lực và vật lực chuyển hướng hoạt động, dành hết cho sự phát triển kinh tế của nước nhà. Và thực sự, nền kinh tế ấy đã đạt được những thành tựu đáng kể, nâng vị trí Việt Nam lên dần trên bản đồ xếp hạng thế giới. Nhưng song song với sự phát triển đó là những vấn đề mới nảy sinh hết sức phức tạp mà một trong số đó là an toàn giao thông. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng và chính phủ nêu cao khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”. Đây thực sự là một vấn đề mang tính cấp bách tới sự phát triển của đất nước.

    Vậy rốt cuộc cụm từ “An toàn giao thông” có nghĩa là gì? Hiểu một cách đơn giản, đây chính là ý thức của người tham gia giao thông và cả những hành vi, biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Điều này giúp ngăn chặn hạn chế các thiệt hại về người và của do các vụ tai nạn giao thông gây lên:

    “Văn hoá giao thông, ta phải nhớ cho,

    Chấp hành luật, đừng tự do, tuỳ tiện,

    Khi tai nạn tang thương ập đến,

    Thì muộn rồi, vào viện mới suy tư.”

    Thật đáng buồn khi hiện trạng của các vụ tai nạn giao thông luôn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng lên. Chúng xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, nhất là trong các dịp lễ – khi mà số lượng các phương tiện tham gia giao thông nhiều hơn. Số người chết và bị thương sau mỗi vụ tai nạn cũng tăng đáng kể. Theo thống kê của Cục CSGT thì năm 2017 cả nước xảy ra 10.518 vụ tai nạn, làm chết 9.510 người và bị thương 10.700 người khác. Đây hoàn toàn là những con số biết nói, nhắc nhở chúng ta về ý thức tham giao thông cần được quan tâm hơn nữa.

    Hậu quả để lại sau mỗi lần bất cẩn thật không thể cân đo đong đếm được. Ngoài việc tạo thói quen xấu về văn hóa giao thông cho cộng đồng còn gây thiệt hại về người. Đã qua rồi cái thời ông bà ta bịn rịn chia tay người thân khi họ ra chiến trường nhưng ở thời hiện đại, cũng biết bao ông bố bà mẹ lo lắng không biết con cái mình ra đường liệu còn trở về không. Nỗi đau mất người thân tại sao đến thời đại này vẫn có? Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, những vụ tai nạn để lại còn gây thiệt hại tới nền kinh tế đất nước, gây mất an toàn xã hội. Rộng hơn nữa, nó còn giảm sự tin tưởng của bạn bè quốc tế khi đến du lịch ở Việt Nam. Thế mới thấy, hậu quả do mất an toàn giao thông để lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

    Nguyên nhân của hiện trạng trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan là do cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo an toàn: còn nhiều ổ gà, không có vạch chia làn đường hay đường quá hẹp,…. Mặt khác còn do điều kiện thời tiết làm giảm tập trung của người lái xe (gió to, mưa, bụi,…) và cả sự mất an toàn ngay trên chính phương tiện tham gia giao thông đã quá cũ kĩ hay không tuân thủ yêu cầu (như xe máy phải đủ gương chiếu hậu, đèn,…). Về phía nguyên nhân chủ quan (người tham gia giao thông): Do ý thức tham gia giao thông kém khi không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe, không tuân thủ tín hiệu đèn,…; do hoạt động bán hàng rong, vui chơi lấn chiếm lòng đường; do mê tín dị đoan khi nghĩ rằng tai nạn là số mệnh mà không có cách nào tránh đc; do trách nhiệm giáo dục của gia đình và địa phương chưa tốt.

    Để khắc phục vấn đề trên, cần có những giải pháp thiết thực và phù hợp. Nhà nước cần là người đi đầu tiên trong công cuộc này bằng cách khắc phục những cơ sở hạ tầng xuống cấp. Các cơ quan có thẩm quyền cần phân công điều tiết tốt các làn đường vào giờ cao điểm. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông để đảm bảo tính mạng cho mình và người khác. Gia đình, nhà trường quan tâm, tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục ý thức tham gia giao thông cho con em mình. “An toàn là bạn, tai nạn là thù” là câu nói mà mỗi chúng ta cần nhớ khi bước ra đường.

    Như vậy, an toàn giao thông thực sự là vấn đề cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu. Chẳng ai có thể bảo vệ bạn ngoài chính bản thân bạn nên hãy là một công dân có ý thức về hành vi, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Hãy là một người tham gia giao thông có ý thức! Hãy chung tay vì một xã hội an toàn và văn minh!

    3.4. Bài mẫu 4

    An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”, một câu khẩu hiệu mà ai ai cũng thuộc, từ trẻ con đến người cao tuổi. Tưởng như vấn đề cơ bản được giáo dục từ bậc mẫu giáo này phải được quản lý quy củ, nhưng có lẽ, vấn đề an toàn giao thông luôn đi kèm với những câu chuyện tang thương, tội nghiệp về những vụ tai nạn thảm khốc, hay những lời cằn nhằn về tình trạng tắc đường kéo dài giờ tan tầm.

    An toàn giao thông là một khái niệm dùng để chỉ những hành vi đảm bảo tính mạng cho người tham gia giao thông và trật tự, an toàn đường phố. An toàn giao thông là người dân tuân thủ và chấp hành luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không,… để bảo vệ an toàn cho chính mình khi điều khiển phương tiện hay ngồi trên phương tiện di chuyển. Với đường bộ, an toàn giao thông là những quy tắc như đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, thắt dây an toàn khi ngồi ghế xe oto, dừng lại trước vạch sơn khi đèn giao thông màu đỏ, dững đỗ xe đúng nơi quy định,… Đường sắt và đường hàng không thường ít được nhắc tới do hai phương tiện này không được sử dụng nhiều như xe máy, xe đạp, ô tô tại Việt Nam.

    Thực trạng về vấn đề an toàn giao thông cho thấy, hầu hết các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, tham gia giao thông giống như chơi một ván bài với mạng sống. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 50 tháng kể từ cuối 2015, đã có gần 43 nghìn vụ tai nạn, làm chết gần 19 nghìn người, con số người bị thương lên tới 35 nghìn, chưa kể những trường hợp người sống thực vật hay tử vong khi đã đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chỉ trong 1 tháng vừa qua, trên địa bàn Hà Nội đã có 5 vụ thương vong do ô tô con gây ra, để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản, như vụ xe ô tô Mercedes đâm hai phụ nữ đi xe gắn máy tại hầm Kim Liên ngày 1/5/2019, khiến hai chị này ngã xuống hầm và tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện. Chiếc xe ô tô bị hư hại nặng nề. Đó là về tai nạn, còn tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ, ô nhiễm tiếng ồn do còi xe, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép,…không đếm xuể. Đêm ngày 21/4 vừa qua, một chiếc ô tô được điều khiển bởi người có nồng độ cồn cao quá mức quy định đã mất lái tông thẳng vào dải phân cách cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, gây tử vong cho một người quét rác đang làm nhiệm vụ. Biết bao cảnh vợ mất chồng, cha mất con đã xảy ra vì tai nạn giao thông kinh hoàng trên đường phố.

    Nghị luận xã hội về an toàn giao thông

    Nghị luận xã hội về an toàn giao thông

    Đối với người dân các thành phố đông đúc, việc về nhà vào mỗi giờ tan tầm được coi là cực hình vì sự tắc nghẽn, xe ô tô chen làn xe máy, xe máy lạng lách, tìm mọi cách, vượt cả lên vỉa hè để di chuyển. Tình trạng vượt đèn đỏ, còi xe đinh tai nhức óc là cảnh tượng thường thấy ở mỗi ngã ba, ngã tư. Thanh niên mới lớn rủ nhau tập kết đua xe vào ban đêm gây mất trật tự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư. Tất cả những thực trạng đó đều xảy ra như cơm bữa và dường như, chính quyền hoàn toàn không có cách giải quyết.

    Một số ý kiến cho rằng, vấn nạn an toàn giao thông trở nên như vậy là do người tham gia giao thông không chấp hành, tuân thủ đúng luật giao thông. Nếu không vượt đèn đỏ sẽ không dẫn tới những vụ tai nạn chớp nhoáng. Nếu không lấn vạch, lề đường làm nơi buôn bán, đỗ xe đã không có sự ùn ứ, tắc nghẽn. Một phần, những người tham gia giao thông chưa chắc đã có đủ kĩ năng và trình độ điều khiển phương tiện. Hiện nay, việc mua bán, làm bằng xe máy giả diễn ra ở mọi nơi, công khai với giá dịch vụ ưu đãi để có bằng lái xe nhanh gọn. Những người mua bằng ấy khi đi ra đường, không hiểu rõ luật lễ, vô hình dung gây tai nạn cho người khác vì sự thiếu hiểu biết của mình. Phần lớn nguyên nhân vẫn quy tụ về ý thức kém, thiếu trách nhiệm, chỉ cần được đi nhanh cho xong công việc của mình mà sẵn sàng phóng nhanh vượt ẩu, bất chấp tính mạng của những người xung quanh.

    Ngoài ra, việc phương tiện giao thông thô sơ, xe tự chế, xe máy dày đặc cũng ảnh hưởng tới chất lượng an toàn giao thông. Ở các nước phát triển, phần lớn người dân đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt thì tại Việt Nam, xe máy là phương tiện chủ yếu vì đặc tính nhỏ gọn, dễ luồn lách. Cũng chính vì thế, đường sá ngày càng xuống cấp, ổ voi, ổ gà, thậm chí cả “ổ khủng long”, các công trường xây dựng không có biển cảnh báo, nắp cống hỏng lâu ngày không được cải tạo,… Cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn tới người dân khó khăn trong việc di chuyển, tại giờ cao điểm khi lượng người tham gia giao thông đạt cực điểm, việc di chuyển trên các tuyến phố gần như là điều bất khả thi.

    Những hậu quả tiêu cực của việc mất an toàn giao thông đã và đang hiển hiện trước mắt. Số người thiệt mạng không ngừng tăng cao, các ca cứu thương người tai nạn giao thông tại các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Thiệt mạng về người dẫn tới mất mát về tài sản và vật chất, tiền chữa bệnh, phương tiện đi lại bị phá hủy, biến dạng, cầu đường bị đâm hỏng thanh chắn, cột điện, cây xanh bị đâm đổ,… Hậu quả rõ ràng nhất mà chúng ta đang phải đối mặt hàng ngày là sự ùn tắc giao thông, ảnh hưởng cả về thời gian, không khí, môi trường và cả về tinh thần người tham gia giao thông. Có thể nói, giao thông Việt Nam trở thành nỗi lo lắng lớn nhất cho du khách nước ngoài vì sự hỗn loạn, thiếu quy củ, vô ý thức của những người điều khiển phương tiện.

    Đối mặt với tình trạng này, Nhà nước đã rất nhiều lần đưa ra giải pháp cả tạm thời và lâu dài. Để giảm thiểu tai nạn, luật an toàn giao thông yêu cầu người ngồi trên xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Tạm thời giải quyết vấn đề tắc đường, Nhà nước đã thử nghiệm thay đổi giờ học, giờ tan của trường học và công ty nhưng dường như không khả thi. Ngoài ra, công tác đẩy mạnh khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng như tàu điện, xe gắn máy cũng đang diễn ra rất chậm trễ. Chế tài xử phạt được đưa ra nhưng thực sự chưa đủ nghiêm khắc để giáo dục và răn đe, công an giao thông còn để đồng tiền chi phối. Các biện pháp tuyên truyền giáo dục cải thiện ý thức người tham gia giao thông cũng hầu như chỉ nằm trên lý thuyết, còn thực tế thì chưa thấy có sự thay đổi.

    Vấn đề an toàn giao thông vẫn là câu chuyện muôn thuở, từ bàn trà uống nước cho tới bàn họp của các cán bộ cấp cao. Không ít ý kiến được đưa ra, không ít bộ luật được áp dụng, nhưng dường như, cái cốt lõi là ý thức con người lại không thể thay đổi được. Cha mẹ vượt đèn đỏ, con cái nhìn làm theo. Đáng buồn nhưng phải thừa nhận, bài toán giao thông có lẽ vẫn chưa một ai giải được trong khoảng thời gian vừa qua.

    3.5. Bài mẫu 5

    Cùng với ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn giao thông cũng làm hao tốn nhiều giấy mực của dư luận. Không phải ngẫu nhiên mà nó ngày càng được quan tâm hơn bởi mọi người trong xã hội. Với nhu cầu tham gia giao thông ngày càng tăng của các phương tiện đi lại thì diễn biến giao thông ngày càng diễn ra phức tạp đặc biệt là các thành phố lớn. Sự an toàn của người tham gia giao thông từ đó ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

    An toàn giao thông là sự đảm bảo về tính mạng của người tham gia giao thông. Nó ngày càng được quan tâm bởi tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến tinh thần của người đi đường. Trước đây, tai nạn giao thông cũng xảy ra nhưng không diễn ra nhiều bằng hiện nay. Mỗi năm đều có những thông số nói về tai nạn giao thông. Trong chín tháng của năm 2015 (tính từ ngày 16 tháng 12 năm 2014 đến ngày 15 tháng 9 năm 2015) đã xảy ra 16459 vụ tai nạn giao thông làm 6518 người chết và 14929 người bị thương. Một con số đáng báo động cho tình trạng giao thông hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này phổ biến nhất là do ý thức của người tham gia giao thông. Trước hết là họ không tuân thủ đúng luật giao thông, hệ thống đèn báo hiệu, đèn giao thông cũng như hiệu lệnh của cảnh sát giao thông trên đường. Điều này là khá phổ biến. Đã có rất nhiều cô cậu thanh niên chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, xe tay ga nhưng lại lạng lách đánh võng trên đường không những cản trở giao thông mà đã có nhiều vụ tai nạn giao thông do việc này mà ra. Không chỉ thế ý thức tham gia giao thông của mọi người cũng rất kém, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, ngược chiều đường, dừng.

    Nghị luận xã hội về an toàn giao thông

    Nghị luận xã hội về an toàn giao thông

    Có rất nhiều những vi phạm mà hàng ngày vẫn liên tiếp xảy ra. Đặc biệt ở các thành phố lớn, vào giờ cao điểm tình trạng ách tắc diễn ra rất phổ biến cũng là cơ hội gây ra tai nạn khi mà ai ai cũng vội vã đến nơi mà mình muốn. Hay sự thiếu ý thức của những người tham gia giao thông không chịu chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt quan tâm là sự thiếu ý thức của người dân sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Điều này chính là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông mà vẫn nhức nhối trong những năm gần đây chưa khắc phục được triệt để. Hậu quả của tai nạn giao thông không ai là không biết. Trước hết nó làm thiệt hại về tính mạng con người. Như thông số mà tôi đã nêu lên ở trên có đến 6518 người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông. Không chỉ khiến cho một gia đình mất đi thành viên, người vợ mất chồng, những đứa con mất cha, gia đình bị mất đi một trụ cột vững chắc. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người để lại niềm xót thương cho người thân của họ. Không chỉ làm mất đi tính mạng của nhiều người, tai nạn giao thông còn khiến cho sự diễn biến của tình trạng giao thông càng thêm phức tạp. Nó gây tâm lý hoang mang cho những người khác. Nó khiến cho sự tiêu tốn về tài sản ngày càng gia tăng. Sự phức tạp thêm của giao thông lại càn là mối đe dọa lớn dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông kế tiếp.

    Vừa thiệt hại về người và của, tai nạn giao thông còn gây mất trật tự an ninh xã hội. Lợi dụng đám đông xúm vào xem xét tình hình tai nạn, những thành phần xấu trong xã hội nhân cơ hội này để thực hiện hành vi phạm pháp của mình nổi bật nhất là cướp giật. ngoài ra còn rất nhiều những hậu quả khác mà tôi không thể kể hết được. Hiểu rõ được tầm ảnh hưởng cũng như nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, những giải pháp sau đây có thể góp phần làm giảm đi và khắc phục tình trạng này.

    Trước hết là tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Thứ hai là ngày càng nâng cao công tác quản lí cũng như điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt trong môi trường giáo dục nên ngày càng có nhiều các cuộc thi, giờ ngoại khóa tuyên truyền về ý thức giao thông của các em. Vì tuổi trẻ là những mầm non tương lai của đất nước, Chính vì thế mà phải chú trọng quan tâm giáo dục các em vì một xã hội tương lai an toàn hơn. Ngay từ bây giờ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tự ý thức bản thân tham gia giao thông an toàn. Vì chính sự an toàn của bản thân mình cũng như người khác.

    An toàn khi tham gia giao thông luôn là dấu chấm hỏi lớn của toàn xã hội. Ai ai cũng mong muốn được bảo đảm sự an toàn khi tham gia giao thông. Nhưng hầu hết họ lại không tự ý thức được rằng an toàn do chính mình tạo ra, tính mạng là do chính mình bảo vệ. Không ai có thể bảo vệ bạn 24 trên 24 và chắc chắn rằng bạn luôn được an toàn. Sự chuyển biến phức tạp của giao thông ngày nay càng đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm của chính bạn. Hãy chung tay vì một xã hội an toàn hơn. An toàn giao thông là bạn của mọi nhà.

    Như vậy, bài viết đã tổng hợp lại những Dàn Ý Và Bài Văn Nghị Luận Xã Hội Về Chủ Đề An Toàn Giao Thông. Hy vọng những tài liệu mà trung tâm WElearn gia sư chia sẻ ở trên có thể giúp ích cho bạn trong việc học. Chúc bạn thành công nhé!

    Xem thêm các bài viết liên quan

    ? Trung tâm gia sư WElearn chuyên giới thiệu, cung cấp và quản lý Gia sư.
    ? Đội ngũ Gia sư với hơn 1000 Gia sư được kiểm duyệt kỹ càng.
    ? Tiêu chí của chúng tôi là NHANH CHÓNG và HIỆU QUẢ. NHANH CHÓNG có Gia sư và HIỆU QUẢ trong giảng dạy.