Lấy lại mật khẩu
x
Góp ý cho Welearn
x

    Dàn Ý Phân Tích Nhân Vật Chí Phèo Chi Tiết Nhất

    26.11.2021
    WElearn Wind
    Rate this post

    Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao là tác phẩm điển hỉnh của trào lưu văn học hiện thực (1930-1945). Hình tượng nhân vật Chí Phèo mang nhiều bi kịch của kiếp người để lại trong lòng độc giả những dư âm sâu sắc.

    Đề bài phân tích nhân vật Chí Phèo thường phổ biến trong các bài thi môn văn, để làm tốt bài văn, các bạn cần vạch trước một số ý quan trọng. Dưới đây là những dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo chi tiết các bạn có thể tham khảo.

    >>>> Xem thêm: Gia Sư Môn Văn

    1. Dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo 1

    1.1. Mở bài

    Vài nét về Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo: Một nhà văn như một tấm gương lớn về nhà văn – chiến sĩ, lòng say mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm. Chí Phèo là một tác phẩm tiêu biểu kết tinh tài năng nghệ thuật của ông.

    Trong truyện ngắn, hình tượng trung tâm Chí Phèo là một nhân vật với nhiều bi kịch của kiếp người để lại trong lòng độc giả những dư âm sâu sắc.

    1.2. Thân bài

    1.2.1. Hoàn cảnh Chí Phèo xuất hiện

    • “Hắn vừa đi vừa chửi…”: sự xuất hiện tự nhiên
    • Qua tiếng chửi, chân dung nhân vật hiện lên:
      • Kẻ lưu manh cứ rượu vào là chửi
      • Đằng sau đó thấy Chí Phèo là nạn nhân ra sức cựa quậy, mong muốn được coi là người bình thường.

    1.2.2. Lai lịch, cuộc đời Chí Phèo trước khi ở tù

    Hoàn cảnh xuất thân: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không một tấc đất cắm dùi

    Tuy vậy, Chí Phèo vẫn giữ những phẩm chất tốt đẹp:

    • Là một con người lương thiện: đi ở hết nhà này đến nhà khác, cày thuê cuốc mướn để kiếm sống ⇒ làm ăn chân chính
    • Từng mơ ước giản dị về cuộc sống gia đình: có một ngôi nhà nho nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải,…

    ⇒ Chí Phèo là một người lương thiện.

    • Có lòng tự trọng: Bà ba Bá Kiến gọi lên đấm lưng, bóp chân, Chí Phèo cảm thấy nhục ⇒ Là người có ý thức về nhân phẩm.

    ⇒ Chí Phèo có đủ điều kiện để sống cuộc sống yên bình như bao người khác, quãng đời lương thiện của Chí Phèo kéo dài trong khoảng 20 năm đầu.

    1.2.3. Sự biến đổi của Chí Phèo sau khi ra tù

    Sự kiện Chí Phèo bị bắt vào tù:

    • Vì Bá Kiến ghen với vợ hắn.
    • Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí Phèo trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”

    Hậu quả của những ngày ở tù:

    • Hình dạng: “Cái đầu trọc lốc, hàm răng cạo trắng hớn, cái mặt thì câng câng đầy những vết sứt sẹo, hai con mắt gườm gườm” ⇒ Chí Phèo đánh mất nhân hình.
    • Nhân tính: du côn, du đãng, triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến ⇒ Chí Phèo đã đánh mất nhân tính.
    • Quá trình tha hóa của Chí Phèo: Đến nhà Bá Kiến trả thù ⇒ Chí Phèo mắc mưu, trở thành tay sai cho Bá Kiến

    ⇒ Chí Phèo đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính, là điển hình cho hình ảnh người nông dân bị đè nén đến cùng cực.

    1.2.4. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở

    Tình yêu thương mộc mạc, chân thành của Thị Nở – đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo:

    • Về nhận thức: Nhận biết được mọi âm thanh trong cuộc sống.
    • Nhận ra bi kịch trong cuộc đời của mình và sợ cô đơn, cô độc
    • Về ý thức: Chí Phèo thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người.

    Hình ảnh bát cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa: Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Chí Phèo được ăn trong tình yêu thương và hạnh phúc.

    ⇒ Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh.

    1.2.5. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

    Nguyên nhân: do bà cô Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo → định kiến của xã hội.

    Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:

    • Lúc đầu: Chí Phèo ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở
    • Sau Chí Phèo hiểu ra mọi việc: Tuyẹt vọng, Chí Phèo uống rượu rồi xách dao đến nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự sát.

    Ý nghĩa hành động đâm chết Bá Kiến và tự sát của Chí:

    • Đâm chết Bá Kiến là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống.
    • Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống làm người.

    1.2.6. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

    • Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình
    • Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật
    • Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị

    1.3. Kết bài

    • Khái quát lại những nét tiêu biểu dựng lên hình tượng Chí Phèo
    • Liên hệ trình bày cảm nhận của bản thân về nhân vật này.

    2. Dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo 2

    2.1. Mở bài

    • Nam Cao là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc của văn học Việt Nam,
    • Sáng tác của ông nói về những số phận nhỏ bé trong xã hội, đặc biệt là người nông dân.
    • Chí Phèo là tác phẩm thể hiện hình ảnh của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám bị thực dân phong kiến làm cho tha hóa nhân hình, nhân tính.

    2.2. Thân bài

    2.2.1. Chí Phèo, người nông dân lương thiện

    • Sinh ra là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, sống vất vưởng.
    • Lớn lên làm canh điền cho Bá Kiến, là người khỏe mạnh, chịu khó, “hiền lành như đất”.
    • Có ước mơ và hạnh phúc bình dị.
    • Có lòng tự trọng.

    2.2.2. Chí Phèo, tên lưu manh, con quỷ dữ của làng Vũ Đại

    • Bị Bá Kiến đẩy vào nhà tù thực dân.
    • Người nông dân lương thiện bị nhà tù làm cho tha hóa cả về nhân hình và nhân tính.

    => Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật của xã hội đương thời, là sản phẩm của tình trạng đè nén, áp bức của nông thôn trước Cách mạng tháng Tám.

    2.2.3. Chí Phèo, bi kịch của người sinh ra là người nhưng không được là người

    • Cuộc gặp gỡ với thị Nở đã đánh thức phần người trong Chí Phèo.
    • Chí thức tỉnh, khát khao được sống lương thiện, được trở về với cuộc sống đời thường, thực hiện những ước mơ bình dị. Biểu hiện cho sự thức tỉnh là Chí Phèo nhận ra mình đã già, nhận ra được những âm thanh của cuộc sống đời thường.
    • Thế nhưng bị từ chối quyền làm người và chịu một kết cục bi thảm khi Thị nghe lời bà cô từ chối sống cùng Chí Phèo. Bà cô chính là đại diện cho rào cản xã hội, là tiếng nói đại diện cho thành kiến của xã hội đương thời khiến Chí Phèo rơi vào đau đớn, tuyệt vọng đến cùng cực.
    • Kết cục bi thảm của Chí Phèo: Trong bế tắc, Chí Phèo ý thức được kẻ đã cướp đi bộ mặt và linh hồn của con người Chí Phèo chính là Bá Kiến. Chí Phèo đã đến trả thù, tiêu diệt Bá Kiến và tự kết liễu đời mình.

    2.2.4. Đánh giá

    • Nghệ thuật: Giọng kể đa thanh, khắc họa nhân vật độc đáo, xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, hợp lý.
    • Nội dung: Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo mới mẻ. Vạch trần tội ác của bọn thực dân phong kiến đồng thời thể hiện niềm tin vào sức mạnh của tình người, vào nhân tính và bản chất con người.

    2.3. Kết bài

    • Chí Phèo đã trở thành hình tượng của người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam.
    • Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo được thể hiện thông qua nhân vật Chí Phèo đã đưa tác phẩm trở thành kiệt tác số một của Nam Cao, khẳng định tên tuổi của ông trong nền Văn học Việt Nam.

    3. Dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo 3

    3.1. Mở bài

    • Giới thiệu đôi nét về nhà văn Nam Cao – một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của Việt Nam trước Cách mạng.
    • Giới thiệu về truyện ngắn Chí Phèo, đặc biệt là hình tượng nhân vật Chí Phèo.

    3.2. Thân bài

    3.2.1. Trước khi đi tù

    Xuất thân: Không cha mẹ, không nhà cửa – lớn lên bằng lòng thương của người dân trong làng.

    Tính cách:

    • Mơ ước bình dị: có một ngôi nhà nho nhỏ, vợ dệt vải, chồng cày thuê cuốc mướn…
    • Sống có lòng tự trọng: Bà ba – vợ Bá Kiến gọi lên đấm lưng, bóp chân, Chí chỉ cảm thấy nhục hơn là thấy thích.

    3.2.2. Sau khi ra tù trở về

    Ngoại hình: “Cái đầu trọc lốc, hàm răng cạo trắng hớn, cái mặt thì câng câng đầy những vết sứt sẹo, hai con mắt gườm gườm”.

    Tính cách: cộc lộc, hung hãn tìm đến nhà bá Kiến đòi nợ.

    Quá trình tha hóa của Chí Phèo:

    • Sau khi về làng một ngày, Chí Phèo uống rượu thật say rồi đến thẳng nhà bá Kiến, gọi tên tục hắn ra mà chửi. Bá Kiến cáo già đã dùng lời lẽ ngon ngọt và tiền bạc để dụ dỗ, mua chuộc, biến Chí Phèo thành tay sai cho hắn. Như vậy, Chí Phèo không trả được mối thù mà còn bị bá Kiến ràng buộc, chi phối.
    • Chán cảnh sống cô độc, vật vờ, túng quẫn, Chí Phèo lại đến gặp bá Kiến để xin được đi ở tù. Bá Kiến nắm được chỗ yếu của Chí Phèo nên dùng miếng mồi vật chất để dụ dỗ Chí Phèo lao sâu vào con đường làm tay sai cho hắn, triệt hạ các phe đảng nghịch trong làng. Mối thù vẫn còn nguyên mà Chí Phèo lại bị thua chuộc, tiếp tục mắc vào âm mưu thâm độc của bá Kiến.

    => Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

    3.2.3. Sau khi gặp thị Nở

    • Mối tình với Thị Nở đã làm bừng thức lương tri của Chí Phèo. Hắn khao khát được sống, được yêu thương.
    • Nhưng đến khi bị hắt hủi, ruồng bỏ, Chí Phèo tuyệt vọng và căm phẫn, tìm đến bá Kiến để giết hắn. Mối thù đã được trả bằng chính mạng sống của Chí Phèo.

    3.3. Kết bài

    • Khái quát lại về nhân vật Chí Phèo – nhân vật chính của tác phẩm.
    • Cảm nhận chung về nhân vật Chí Phèo.

    4. Bài mẫu phân tích nhân vật Chí Phèo

    Bài mẫu 1

    Nam Cao để lại số lượng tác phẩm không phải quá đồ sộ chỉ khoảng hơn 60 tác phẩm nhưng những tác phẩm của ông đều giàu giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Các tác phẩm trước cách mạng tháng tám là những ưu tư, trăn trở về cuộc sống người trí thức, người nông dân. Đặc biệt, với người nông dân đó còn là những suy tư về sự bần cùng hóa của họ khi bị xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy vào bước đường cùng. Những ưu tư đó đã được thể hiện rõ nét qua nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên.

    Trước hết, Chí Phèo là một người nông dân lương thiện. Từ khi sinh ra, Chí là đã trẻ mồ côi, được anh thả ống ươn đem về cho bà góa mù nuôi, nhưng sau đó bà góa mù lại bán Chí cho bác phó cối. Khi bác phó cối mất, Chí lớn lên trong sự cưu mang, đùm bọc của mọi người. Trưởng thành, Chí là chàng trai khỏe mạnh, ham lao động với những mơ ước hết sức bình dị : chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Ước mơ ấy của người nông dân thật trong sáng và đẹp đẽ. Chí làm thuê cho Bá Kiến, nhưng không dừng lại ở đó, Chí còn bị bà ba ép bóp chân, làm những việc đó Chí chỉ cảm thấy nhục hơn là thấy thích. Chí là một người có lòng tự trọng. Những mơ ước, khát khao bình dị, cùng với lòng tự trọng sâu sắc đã cho ta thấy khởi nguồn của Chí là một con người hiền lành, chất phác, Chí là một nông dân lương thiện.

    Từ một người nông dân lương thiện, Chí bị tha hóa về nhân cách, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo bóp chân cho bà ba và bị Bá Kiến bắt gặp, cơn ghen điên cuồng nổi lên, Bá Kiến đẩy Chí vào nhà tù thực dân, và cũng từ đây Chí bị tha hóa về cả nhân hình và nhân tính. Nhân hình của Chí Phèo không khác gì con quỷ dữ: Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng , hai mắt gườm gườm trông gớm chết ; ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy. Hắn luôn trong tình trạng say xỉn, chửi bới, đánh nhau và ăn vạ. Chí đã biến thành tên lưu manh hung hăng, liều lĩnh. Không dừng lại ở đó, Chí còn bị Bá Kiến lợi dụng, hắn dùng sự khôn ngoan, xảo quyệt để lợi dụng Chí, Chí Phèo lúc này khờ khạo, u mê trong hơi men nên dễ dàng để Bá Kiến lợi dụng. Hắn trở thành tay sai cho Bá Kiến, cho cái ác, làm bất cứ việc gì mà Bá Kiến yêu cầu. Cả dân làng Vũ Đại tránh hắn như tránh hủi, mọi lời khà khịa của hắn mọi người đều bỏ ngoài tai và coi như nó chừa mình ra. Sự tha hóa của Chí Phèo không phải là hiện tượng bất thường, mà nó là hiện tượng mang tính quy luật của xã hội dương thời, Chí là sản phẩm tất yếu của xã hội đè nén, chèn ép khiến con người phải biến chất, tha hóa, mất hết nhân hình và nhân tính.

    Chí Phèo khi sinh ra đã là trẻ mồ côi, bị chính mẹ đẻ cự tuyệt quyền sống. Đến khi lớn lên hắn lại một lần nữa bị cự tuyệt quyền làm người. Hắn bị đẩy ra vùng ngoại vi của xã hội, Chí Phèo cô độc đến tột độ, lời hắn chửi ở mọi lúc mọi nơi chính là biểu hiện sự cô đơn ấy. Hắn chửi trời, chửi đời nhưng chẳng ai đáp lại hắn, thành ra chỉ có tiếng chó sủa đáp lại hắn. Sống trong một cộng đồng, nhưng lại bị chính cộng đồng xa lánh, còn gì khốn khổ và tội nghiệp hơn cho thân phận Chí Phèo.

    Gặp Thị Nở là một cơ may giúp Chí phục sinh phần người ít ỏi còn sót lại, giúp Chí nhận ra nhiều điều trước khi quá muộn. Chí bị cảm lạnh, nôn mửa, Thị Nở đã đưa Chí Phèo vào lều, đắp cho hắn manh chiếu rách lên người để hắn khỏi lạnh. Để rồi sau những ngày dài triều miên trong hơi men, đến hôm nay Chí mới lắng lòng mình để nghe, để cảm nhận những âm thanh cuộc sống: Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ…. Đó là những tiếng quen thuộc hôm nào cũng có nhưng từ khi ở tù về Chí chưa một lần nghe thấy. Chí thấy rùng mình khi nghĩ về rượu, Chí nhớ về quá khứ tươi đẹp, những ngày hắn được sống, được làm việc, với những mơ ước hết sức bình dị: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nhưng thực tại của hắn lại chẳng có gì, hắn già và cô độc, nhận ra rằng mình đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời và chẳng thể mãi lấy nghề rạch mặt ăn vạ mà sống. Cũng may lúc ấy Thị Nở vào, mang bát cháo hành nóng hổi đến cho Chí. Đón bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí hết sức ngạc nhiên, từ ngạc nhiên hắn thấy mắt mình ươn ướt. Bởi cả cuộc đời hắn đã bao giờ được ai săn sóc, những thứ hắn có được đều do rạch mặt ăn vạ mà có. Hắn giờ mới biết đến tình yêu thương, sự săn sóc, “hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Tình yêu thương đã giúp Chí thức tỉnh, Chí thấy thị có duyên, và bùng lên khao khát được chung sống với thị Nở, đây là khát khao chính đáng là đích đến của tình yêu chân chính. Hắn không còn kinh rượu nhưng luôn cố uống cho thật ít và trở nên hiền lành đến khó tin. Tình yêu có sức mạnh cảm hóa diệu kì, đã cảm hóa một thằng săng đá thành một con người lương thiện, hiền lành và thức tỉnh trong Chí khát khao được làm người lương thiện.

    Thế nhưng, tưởng chừng hạnh phúc, con đường trở về làm người lương thiện đã mở ra với Chí, thì chính lúc ấy đóng sầm lại. Thị Nở nghe lời bà cô, cự tuyệt Chí, thị trút hết những lời bà cô nói vào mặt hắn, Chí Phèo hiểu, níu kéo nhưng tất cả đều trở nên vô ích. Chí khóc và ngửi thấy hương cháo hành thoảng qua, nỗi đau trong Chí càng cuộn trào hơn. Chí xách dao với mục đích giết chết cả nhà Thị Nở, nhưng quen chân lại đến nhà Bá Kiến và trong Chí cũng nhận ra kẻ thù, người đẩy hắn đến kết cục bi thảm này chính là Bá Kiến chứ không phải ai khác. Chí Phèo đến nhà Bà Kiến giết hắn và kết liễu đời mình. Đây là sự lựa chọn duy nhất của Chí Phèo: con đường quay lại làm người lương thiện không được, vì xã hội ruồng bỏ, không chấp nhận Chí; Làm quỷ dữ cho Bá Kiến giật dây Chí không muốn. Bởi vậy chết là cách duy nhất để Chí được làm con người lương thiện. Cái chết của Chí là một đòn mạnh mẽ, lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời, đã đẩy con người vào đường cùng phải tìm đến cái chết.

    Tạo nên sức hấp dẫn của nhân vật phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình với diễn biến tâm lí tự nhiên, hợp lí, hấp dẫn. Cốt truyện giàu kịch tính, biến hóa linh hoạt, kết thúc tác phẩm phù hợp với sự phát triển tất yếu của nhân vật. Nghệ thuật trần thuật đặc sắc, kể đảo trật tự thời gian.

    Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo tác giả đã khái quát lên một hiện tượng ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám: một bộ phận người nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và cuối cùng bị đẩy đến cái chết không lối thoát. Từ đó phơi bày thực trạng xã hội đương thời. Với nhân vật này, Nam Cao còn khẳng định ngợi ca vào thiên tính tốt đẹp và sức sống tiềm tàng, hướng thiện của những người nông dân.

    Bài mẫu 2

    Nam Cao là một trong số những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với ngòi bút hiện thực xuất sắc cùng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, Nam Cao đã có những trang viết thật cảm động và thấm thía về cuộc sống của người nông dân nghèo khổ bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Và có thể nói truyện ngắn Chí Phèo là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông khi viết về đề tài người nông dân. Đọc Chí Phèo người đọc sẽ cảm nhận được số phận khốn cùng bi thảm của người nông dân trong xã hội cũng và tấm lòng thương cảm của nhà văn đối với họ. Đặc biệt, những điều đó được nhà văn gửi gắm trọn vẹn qua hình tượng nhân vật Chí Phèo.

    Nam Cao đã để cho Chí Phèo xuất hiện trong tác phẩm thật tự nhiên, và cũng thật bất ngờ qua tiếng chửi của nhân vật ở đầu tác phẩm. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. (…) Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…” Với một đoạn văn dài với việc sử dụng đa dạng các kiểu câu và đặc biệt là lời trần thuật nửa trực tiếp rất độc đáo, dường như nhà văn Nam Cao đã vẽ nên trước mắt người đọc hình ảnh một Chí Phèo đang trong cơn say với những tiếng chửi đã trở thành qua đối quen thuộc với những người dân làng Vũ Đại. Tiếng chửi ấy, thoạt nghe có vẻ vu vơ, có vẻ là lời của kẻ say song càng đọc kĩ ta mới thấy được cái trật tự hợp lí của nó, một tiếng chửi đầy tỉnh táo: chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại, “chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”, “chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra hắn”. Và để rồi, qua tiếng chửi ấy, người đọc đã phần nào đó hình dung về nhân vật – một kẻ lưu manh cứ rượu vào là chửi, một kẻ sống bị mọi người xa lánh, không ai coi hắn là con người, không ai quan tâm đến hắn.

    Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Chí Phèo trong cơn say với tiếng chửi quen thuộc, nhưng trước khi ở tù, Chí Phèo là một người nông dân lương thiện. Tuổi thơ không may mắn như những người khác, Chí sinh ra “không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích”, Chí được một người đi thả ống lươn nhặt về “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không” và lớn lên trong tình yêu thương của xóm làng. Lớn lên, Chí đi là canh điền cho nhà Bá Kiến, hiền lành và lương thiện, hắn từng “ao ước có một gia đình nhỏ. Chồng cuốc mướn, vợ cày thuê dệt vải,…”. Và như vậy, qua những chi tiết nêu trên giúp chúng ta nhận ra rằng Chí vốn là người nông dân hiền lành lương thiện, một người lao động nghèo khổ, đáng thương, kiếm sống bằng sức lao động chính đáng của mình. Thêm vào đó, Chí cũng luôn ý thức được nhân phẩm và có lòng tự trọng của mình. Điều đó thể hiện rõ nét qua chi tiết Chí bóp chân cho bà Ba mà trong lòng cảm thấy “thấy nhục chứ yêu thương gì, run run sợ hãi, uất ức chịu đựng”. Đấy là cái dáng vẻ đáng thương, tội nghiệp, nhẫn nhịn của thân phận tôi đòi.

    Thế nhưng, chính chính quyền thực dân mà Bá Kiến là đại diện tiêu biểu đã đẩy Chí vào nhà tù. Để rồi, sau khi ra tù, Chí đã hoàn toàn thay đổi, hắn như biến thành một con người hoàn toàn khác, “khác cả thể xác lẫn tâm hồn”. Trước hết đó là sự thay đổi về mặt ngoại hình. “Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đa! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế.” Không những thay đổi về ngoại hình mà nhân tính của Chí cũng đã hoàn toàn thay đổi. Không còn là anh chàng canh điền lương thiện ngày nào, giờ đây Chí đã trở thành “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. “Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến, gọi tận tên tục mà chửi”. Rồi cũng kể từ khi ở tù về, Chí trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến, Chí cứ đắm mình trong những cơn say, đâm thuê, chém mướn. Và để rồi, giờ đây Chí như bước ra khỏi rìa của xã hội loài người, không ai quan tâm tới Chí mà họ khiếp sợ hắn đã là đắng khác. Và như vậy, xét đến cùng, Chí Phèo chính là nạn nhân của chế độ thực dân, của nhà tù thực dân.

    Những tưởng Chí sẽ mãi đắm chìm trong cơn say, trong cái nghề “rạch mặt ăn vạ” nhưng không, cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã khiến Chí hoàn toàn thay đổi, đã đánh thực trong Chí sự lương thiện mà bấy lâu nay vốn dĩ đã bị che lấp đi. Dưới con mắt của dân làng Vũ Đại, Thị Nở là một người dưới đáy của xã hội, vừa xấu, vừa nghèo lại còn dở hơi, nhưng với cuộc đời của Chí, Thị xuất hiện như đem đến một nguồn ánh sáng mới. Dường như, bát cháo hành Thị nấu và tình yêu của Thị đã thức tỉnh linh hồn của Chí, kéo Chí từ con quỷ dữ trở lại làm người. Tỉnh dậy sau đêm gặp thị, lần đầu tiên trong cuộc đời mình, Chí cảm nhận thấy những âm thanh bình dị của cuộc sống đời thường “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài có mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy…” Rồi cũng nhờ gặp Thị, trong Chí mới có những sự thay đổi về tâm lí “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc (…) Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Có lẽ, chưa ai nghĩ một người như Chí lại có những phút giây suy nghĩ, lo lắng và sợ cô độc. Phải chăng bởi Chí đã thay đổi, bởi phần người trong Chí đã sống dậy. Và đặc biệt, trong Chí bừng lên cái ước ao, khao khát có một gia đình nhỏ, bình dị, êm ấm và hạnh phúc như bao người khác “ao ước có một gia đình nhỏ. Chồng cuốc mướn, vợ cày thuê dệt vả,…” rồi Chí khát khao được làm người lương thiện, được sống là con người theo đúng nghĩa của nó “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn thèm làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Như vậy, việc gặp gỡ Thị Nở đã tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời của Chí. Chính Thị và tình yêu của Thị đã đánh thức trong Chí sự lương thiện, khát khao làm người lương thiện và quyền được làm người.

    Song, giây phút Chí khao khát được trở lại làm người lương thiện đó cũng là lúc hắn nhận ra hắn không thể làm người lương thiện được nữa và hắn rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Sự từ chối, cự tuyệt của Thị Nở đã khiến Chí hiểu ra tất cả “hắn nghĩ ngợi một tí rồi như hắn hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn người”. Nỗi đau trong Chí như quặn thắt lại, Chí “ôm mặt khóc rưng rức” Chí lại tìm đến rượu như một sự giải tỏa nhưng càng uống lại càng tỉnh. Thế rồi, Chí cầm dao định đến nhà Thị Nở những rồi hắn lại tìm đến nhà Bá Kiến – kẻ đã đẩy hắn tha hóa, lưu manh hóa và trở thành con quỷ dữ. Chí tìm đến nhà Bá Kiến không phải để đòi tiền như những lần trước mà hắn đến đề đói lương thiện. Nhưng cũng chính trong giây phút ấy, hơn ai hết, Chí hiểu mình không thể quay lại làm người được nữa “Ai cho tao lương thiện Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện được nữa.” Và cuối cùng, Chí rút dao đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình. Chí Phèo đã chết bên ngưỡng cửa trở thành người lương thiện, chết đi trong bi kịch muốn được làm người nhưng không thể.

    Kết bài Tóm lại, nhân vật Chí Phèo là nhân vật điển hình cho người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa trong xã hội trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao muốn phê phán xã hội thực dân đã đẩy người nông dân vào con đường tha hóa và qua đó ông cũng thể hiện tấm lòng cảm thương sâu sắc của mình với những người nông dân trong xã hội cũ. Đồng thời, qua việc miêu tả những diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật đã cho chúng ta thấy tài phân tích tâm lí bậc thầy của Nam Cao.

    Trên đây Trung tâm gia sư WElearn đã tổng hợp một số dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo chi tiết nhất, cùng với đó là bài văn mẫu để các bạn tham khảo. Theo dõi WElearn để học thêm những bài học bổ ích nhé. Chúc các bạn học tập tốt!

    Xem thêm các bài viết:

    ? Trung tâm gia sư WElearn chuyên giới thiệu, cung cấp và quản lý Gia sư.
    ? Đội ngũ Gia sư với hơn 1000 Gia sư được kiểm duyệt kỹ càng.
    ? Tiêu chí của chúng tôi là NHANH CHÓNG và HIỆU QUẢ. NHANH CHÓNG có Gia sư và HIỆU QUẢ trong giảng dạy.