Trong bài viết hôm nay WElearn sẽ tổng hợp lại một số bài dàn ý giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công kèm 02 bài văn mẫu hay giúp bạn tham khảo và học tốt môn Ngữ Văn lớp 7 của mình hơn.
Dàn ý đại cương đề bài: “Giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công”
Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công”.
Thân bài:
- Giải thích câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công”.
- Bàn luận về câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công”.
- Mở rộng vấn đề
Kết bài: Nêu suy nghĩ của bản thân và đánh giá lại những vấn đề chủ chốt của câu tục ngữ. Từ đó rút ra bài học cho bản thân
Dàn ý chi tiết đề bài: “Giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công”
Mở bài
Dẫn dắt trực tiếp hoặc gián tiếp để giới thiệu về câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công”.
Thành công là thứ mỗi người chúng ta ai cũng muốn đặt được. Tuy nhiên, con đường dẫn đến đó thật không dễ dàng chút nào. Nó là một hành trình dài đầy khó khăn và chông gai nên rất cần đến sự kiên trì và nỗ lực. Chính vì thế, ông bà ta đã có câu: “Thất bại là mẹ thành công”.
Thân bài
2.2.1. Giải thích nghĩa của câu tục ngữ
- Thất bại: không đạt được kết quả, mục tiêu, dự định đã đặt ra hay mong muốn.
- Thành công: ngược lại với thất bại – đạt được những mục tiêu, mong ước đã đặt ra.
- Mẹ: người sinh ra ta, nếu không có mẹ, sẽ chẳng thể nào có chúng ta.
→ Như vậy, phải có thất bại thì mới có thể thành công được.
→ Thất bại là tiền đề, là bước đệm để dẫn đến thành công.
2.2.2. Bàn luận
Tại sao thất bại là mẹ thành công?
- Sau mỗi lần thất bại sẽ rút ra được một bài học mới → Vận dụng để sửa chữa sai lầm
- Trong cuộc sống, mọi thứ không phải lúc nào cũng màu hồng → Có khó khăn mới tạo nên được những thành quả tốt → Có áp lực mới có kim cương
- Thất bại giúp rèn luyện sự kiên nhẫn, ý chí và bản lĩnh
- Giúp tăng sự tự tin và mài mòn sự tự kiêu
- Thất bại là do năng lực mình chưa đủ → Hoàn thiện bản thân mình hơn → Thành công
Tác động của thất bại
- Đối với người dễ nản chí: chấp nhận thất bại mà không cố gắng, chán nản, sợ hãi và dễ bỏ cuộc.
- Đối với người có ý chí: mạnh mẽ vượt qua, đối mặt với những khó khăn thử thách, kiên trì.
→ Loại bỏ những người lười biếng, dễ nản, lọc ra những người thực sự có năng lực.
Dẫn chứng (chứng minh)
- Edison từng bị cho rằng có vấn đề về thần kinh, là chậm phát triển, thậm chí còn bị thầy hiệu trưởng nhận xét “là học trò dốt, lười và hư, nên cho đi chăn lợn, có học nữa cũng chẳng làm nên trò trống gì”. → Mẹ ông không chấp nhận và kiên trì dạy dỗ, hướng dẫn ông → Ông đã thành nhà khoa học tiêu biểu nhất của nước Mỹ và cả thế giới, sở hữu hàng ngàn bằng phát minh và nổi tiếng nhất là bóng đèn điện, máy hát, máy ghi âm,…
- Nhà sáng lập KFC – Harland Sanders: ông đã từng đổi rất nhiều nghề mới có thể đến được với công thức chiên gà bí mật. Khi khởi nghiệp, ông bị nhiều người chê cười → Không từ bỏ→ Cố gắng chứng minh cho mọi người thấy năng lực của mình.
- Lúc còn nhỏ nhiều lần tập đi ta đã từng vấp ngã, đi không vững → Cố gắng đứng dậy và đi → Đi được
Phải làm sao để sự thất bại thực sự dẫn đến thành công
- Từ những thất bại rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình
- Phải biết thay đổi và tiếp thu những lời góp ý
- Chấp nhận thất bại và thay đổi để trở nên phiên bản tốt hơn
- Kiên trì và cẩn thận hơn
- Nhìn nhận lại đúng năng lực của mình và thiết lập mục tiêu chính xác
→ Nếu thất bại nhiều lần mà không có sự thay đổi thì cũng bằng thừa
Phê phán
- Đề cao quá sức sự thất bại
- Cho rằng thất bại trước khi thành công là hết sức bình thường, không nỗ lực hết mình ngay từ đầu…
- Lấy lý do biện minh cho thất bại của mình
2.2.3. Mở rộng vấn đề
Bài học
- Gặp thất bại thì không được nản, thoái chí, mà phải rút ra kinh nghiệm, bài học để nỗ lực hơn vào lần sau
- Biết hối hận, đau khổ trước thất bại để có động lực thay đổi, không thờ ơ, dửng dưng trước thất bại
- Luôn nỗ lực ngay từ lần đầu để tránh sự thất bại ngay lần đầu nếu có thể…
Hành động
- Thay đổi để bản thân trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn
- Rèn luyện ý chí, kiên trì, tinh thần bền bỉ để khi thất bại không cảm thấy áp lực và chán nản
Kết bài
Đánh giá lại vấn đề:
Hiện nay, cuộc sống xã hội hiện đại ngày càng trở nên phức tạp và sôi động. Tuy nhiên, bài học mà cha ông ta gửi gắm trong câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” thì vẫn còn nguyên giá trị của nó. Chúng ta cần cố gắng rèn luyện bản thân mình nhiều hơn, để hạn chế thất bại một cách thấp nhất.
Văn mẫu lớp 7: “Giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công”
Bài mẫu 1
Thành công là thứ mỗi người chúng ta ai cũng muốn đặt được. Tuy nhiên, con đường dẫn đến đó thật không dễ dàng chút nào. Nó là một hành trình dài đầy khó khăn và chông gai nên rất cần đến sự kiên trì và nỗ lực. Chính vì thế, ông bà ta đã có câu: “Thất bại là mẹ thành công”.
Để biết được ông cha ta gửi gắm ý nghĩa gì qua câu tục ngữ, trước hết chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa nó là gì. Thất bại là không đạt được kết quả, mục tiêu, dự định đã đặt ra hay mong muốn. Thành công là đạt được, dành được mục tiêu, mong ước của mình. Đây là hai trạng thái đối lập nhau hoàn toàn nhưng nó đều là yếu tố để tạo nên một người giỏi. Mẹ – người sinh ra ta, không có mẹ sẽ không thể có chúng ta. Như vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ này là nếu không có thất bại thì chắc chắn sẽ không có thành công. Thất bại là tiền đề, là bước đệm để dẫn đến thành công.
Vậy, tại sao thất bại lại là mẹ thành công? Bởi vì sau mỗi thất bại, ta lại rút ra được một bài học mới, bài học kinh nghiệm. Từ đó, vận dụng chúng để giải quyết những vấn đề xảy ra tương tự trong tương lai một cách trôi chảy, mượt mà hơn.
Hơn thế nữa, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng như trong truyện cổ tích. Chắc chắn sẽ không thể né khỏi những thất bại, những khó khăn. Chính những lúc đó giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, tạo nên những thành quả tốt hơn vào những lần sau này – “Có áp lực, thì mới có kim cương”.
Mỗi lần thất bại là một lần rèn luyện bản thân trở nên mạnh mẽ, kiên nhẫn và bản lĩnh hơn. Đặc biệt, nó còn mài mòn đi sự tự kiêu vốn có sẵn trong mỗi con người chúng ta. Khi chúng ta thành công quá nhiều sẽ tạo nên tính tự kiêu, coi mình là nhất và không để ý đến mọi thứ xung quanh. Điều này không hề tốt chút nào.
Và điều quan trọng nhất, khi thất bại, chắc chắn là do năng lực bản thân chưa đủ năng lực. Đây cũng là cơ hội để mình nhận ra những điểm thiếu sót, cải thiện chúng để trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn, dẫn đường đến thành công nhanh hơn.
Những thất bại dù nhỏ hay lớn đều có một tác động rất lớn đến mỗi con người. Có những người phải mất một thời gian dài để định hình lại và bước tiếp. Nhưng lại có những người biến nó thành cái cớ để từ bỏ. Một khi đã vượt qua được thất bại này, sẽ qua được thất bại khác, và đó là lý do để cố gắng hơn. Có thể nói cách khác, thất bại là cách để loại bỏ những người lười biếng, dễ nản, lọc ra những người thực sự có năng lực để dẫn đến thành công. Vì ”trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng.
Thực tế đã chứng minh cho ta thấy, có rất nhiều người đã từng thất bại, đã từng vấp ngã nhưng họ vẫn không từ bỏ, vẫn tiếp tục nỗ lực để thành cộng. Như nhà bác học Edison. Ông đã thất bại 1000 lần trong thí nghiệm mới tìm ra chất dùng làm dây tóc bóng đèn. Thử hỏi nếu không có 1000 lần thất bại cùng với ý chí nghị lực thì không biết bao giờ con người mới có ánh sáng nhân tạo để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Không nói đâu xa, chính chúng ta khi còn nhỏ, lúc mới tập đi, đã từng ngã rất nhiều lần nhưng vẫn đứng dậy để đi từng bước một. Cuối cùng, mình cũng có thể làm được và làm tốt hơn nữa. Đó là “chạy”. Hay những lúc tập xe đạp, nếu từ bỏ từ sau những lần té xe đầu tiên, thì mãi mãi chúng ta chẳng thể nào chạy được như bây giờ.
Mặc dù muốn có thành công thì phải có thất bại nhưng không phải thất bại nào cũng đưa đến thành công. Có những thất bại mà không được sửa chữa đúng cách thì chỉ có thể thất bại nhiều hơn mà thôi. Sau những thất bại, mình cần rút ra được đúng bài học và tìm cách để cải thiện, khắc phục sai lầm đó. Cần rèn cho mình tính kiên trì, nhẫn nại để không dễ bỏ cuộc trước những khó khăn.
Quan trọng nhất là chúng ta cần phải biết chấp nhận thất bại và thay đổi, tiếp thu những đóng góp tích cực từ những người xung quanh. Nếu cứ thất bại nhiều lần mà không có sự thay đổi thì mọi thứ cũng bằng thừa.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, còn rất nhiều người đề cao sự thất bại, lấy nó làm cái cớ để ngừng cố gắng. Họ không chấp nhận lỗi sai của mình mà tìm nhiều lý do để biện minh, che đậy sự kém cỏi của mình. Một số khác thì cho rằng thất bại trước khi thành công là hết sức bình thường, không nỗ lực hết mình ngay từ đầu. Những người có lối sống và suy nghĩ đó, khó có thể tiến bộ hơn được.
Qua câu tục ngữ này, chúng ta học được rằng khi gặp thất bại thì không được nản, thoái chí, mà phải rút ra kinh nghiệm, bài học để nỗ lực hơn vào lần sau. Biết hối hận, trước thất bại để có động lực thay đổi, không thờ ơ, dửng dưng trước thất bại. Luôn nỗ lực ngay từ lần đầu để khi thất bại không phải nói “giá như”.
Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực, rèn luyện bản thân nhiều hơn, nâng cao ý chí, kiên trì, tinh thần bền bỉ để khi thất bại không cảm thấy áp lực và chán nản.
Hiện nay, cuộc sống xã hội hiện đại ngày càng trở nên phức tạp và sôi động. Tuy nhiên, bài học mà cha ông ta gửi gắm trong câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công thì vẫn còn nguyên giá trị của nó. Chúng ta cần luôn cố gắng để không bị thất bại đánh gục và hạn chế nó một cách thấp nhất.
Bài mẫu 2
Trong cuộc sống mỗi chúng ta có ai chưa từng thất bại. Những thất bại dù nhỏ hay lớn đều có một tác động rất lớn đến mỗi con người. Có người đã không thể tự đứng lên sau vấp ngã. Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ phải bỏ cuộc, thất bạn là gì mà đã làm bao người chán nản. Vậy để có những thành công đó hãy vượt qua những thất bại ấy ta phải làm những gì? Để khuyên chúng ta có động lực sau những lần thất bại để có được những thành công ông bà ta đã có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Chúng ta cùng đi tìm hiểu câu tục ngữ này.
Thành công là gì? Thế nào là thành công? Là những câu hỏi được nhiều người đặt ra. Đối với mỗi chúng ta có những quan điểm về sự thành công khác nhau, tùy vào mục tiêu ban đầu cũng như sự thỏa mãn của bản thân mà họ có sự cảm nhận về thành công khác nhau.
Có người cho rằng thành công là khi chạm tay đến vạch đích với những mục tiêu kế hoạch mà mình vạch ra để hướng đến, có người lại quan niệm thành công là việc đạt đến những ánh hào quang của danh vọng, vật chất, địa vị xã hội, và cũng không ít người cho rằng tiêu chí để đạt được thành công là trở thành một người thật giàu có. Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ, mang bức tranh đầy màu sắc phong phú và chứa đựng những mật ngọt sự thành công cũng song song đó là những thất bại vấp ngã, cay đắng của cuộc đời. Thành công, hạnh phúc là những điều tốt đẹp, ngọt ngào mà ai trong chúng ta cũng khao khát hướng tới.
Có thành công thì cũng có thất bại. Thất bại là gì? Thất bại là việc không đáp ứng được mục tiêu mong muốn hoặc dự định. Thế nhưng bạn có biết rằng thất bại hay không do cách bạn nhìn cuộc sống nữa. Đối với riêng bản thân tôi khi tôi chưa đạt được điều mình muốn thì tôi sẽ không cho mình bỏ cuộc. Chỉ thất bại là tôi cho phép bản thân mình bỏ cuộc, không cố gắng kiên trì thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Thất bại là khi chính mình cho phép dừng lại. Những điều thành bại trong cuộc sống này ai cũng từng trải qua một lần. Những thất bại là những điều vụn vặt, thành công mới là điều đáng nhắc tới. Khi bạn vượt qua được, khi nhìn lại bạn sẽ thấy mọi thứ mình trải qua thật dễ dàng. Nếu lúc đó mình cho là không thể thì vĩnh viễn bạn sẽ là kẻ thất bại mãi mãi.
Thành công và thất bại có nghĩa đối lập nhau, tuy nhiên giữa chúng lại chứa những hàm nghĩa và có những mối quan hệ bổ sung cho nhau. Theo kinh nghiệm của dân gian ta đúc kết lại từ những bài học xương máu của người đi trước để lại và chỉ ra rằng: Thất bại là mẹ thành công. Tại sao mà ông cha ta lại khẳng định chắc chắn về mối quan hệ thành bại, đó không phải tự nhiên mà được xem là câu khẳng định có căn cứ. Bởi lẽ giữa hai yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ và mật thiết, hay nói cách khác thất bại là bàn đạp cho sự thành công vượt trội, thất bại là nhân tố tạo ra thành công.
Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” được dân gian ta truyền từ đời này sang đời khác và không thay đổi giá trị và mang tầm ảnh hưởng lớn đến với mọi người trong mọi thời đại, mãi trường tồn với thời gian. Bằng phép so sánh khẳng định qua từ “là” là sự kết hợp nghệ thuật ẩn dụ xem thất bại là mẹ của thành công. “Mẹ” ở đây là người sinh thành, trách nhiệm dạy dỗ mong muốn con mình được thành công. Vậy tại sao dân ta lại ví thất bại là mẹ của thành công bởi vì lẽ tự nhiên là thất bại chính là điểm yếu, sự sai sót cần phải sửa chữa và cải thiện, thất bại bổ sung cho ta sự hoàn thiện hơn, tạo nên sức mạnh. Trải qua nhiều lần thất bại thì khi đó ta sẽ tự đúc kết kinh nghiệm riêng cho mình và có thể chinh phục thất bại và đạt đến thành công, vinh quang. Thất bại lớn hay nhỏ, nhiều hay ít nhưng chúng ta nên nhớ không bao giờ chấp nhận đầu hàng, buông bỏ mà phải kiên trì, có ý chí, quyết tâm, bản lĩnh thì chắc chắn sẽ thành công. Không ai từ khi sinh ra đã được trải sẵn cuộc sống đầy màu hồng, luôn gặp may mắn, làm gì cũng thành công. Nhưng quan trọng là hãy biết nhìn vào thất bại mà đứng dậy không nản chí, mà hãy tự rút kinh nghiệm, không ngừng học hỏi bổ sung tri thức cho mình đó là con đường ngắn nhất để tạo thành công cho chính mình. Thành công không ai cho, chỉ tự mình cố gắng và tự nắm bắt lấy mà thôi.
Đúng vậy, trong thực tế cuộc sống để đạt được thành công và ước muốn của bản thân thì có ai trong chúng ta có đủ tự tin nói rằng mình không bao giờ trải qua thất bại mà một bước đạt được thành công luôn hay không? Chắc chắn là không, ai cũng từng nếm trải sự thất bại, không ai đạt được thành công lớn ngay từ đầu. Thời học sinh của tôi cũng vậy, những bài kiểm tra trước sẽ điểm không cao bằng những bài kiểm tra sau, điểm 8 điểm 9 sẽ nhiều còn điểm 10 thì hiếm hơn bởi vì lẽ tự nhiên có những dạng bài khó mà chưa được rèn luyện, thực hành làm bài tập nhiều thì sẽ khó đạt điểm tuyệt đối. Từ những bài kiểm tra trước tôi tự rút ra những kinh nghiệm làm bài và cải thiện điểm số cho những kỳ kiểm tra tiếp theo để đạt được điểm tuyệt đối là 10 không còn lặp lại trường hợp khống chế bởi những bài toán khó nữa.
Những bậc vĩ nhân vĩ đại cũng vậy. A. Nô-ben từng làm nổ phòng thí nghiệm vài lần trước khi chế tạo ra được loại thuốc nổ hoàn hảo của mình. Lu-I Patx-tơ cũng đã vài lần thất bại trước khi tìm ra loại vắc xin phòng bệnh dại. Hay nhà phát minh vĩ đại Ê-đi-xơn nhờ sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm ý chí không bao giờ bỏ cuộc ông đã sáng chế ra bóng đèn điện sau 10000 lần thất bại.
Hình ảnh quen thuộc của gà rán KFC nổi tiếng toàn cầu là hình ảnh một ông già lịch lãm trong bộ vest trắng, chòm râu bạc và cà vạt đen. Đó chính là người lập nên KFC, “Đại tá bang Kentucky” Harland Sanders. Ngày nay, KFC đã có mặt trên 100 quốc gia, nhưng thuở ban đầu, Sanders đã không bán được món gà của mình. Hơn 1.000 nhà hàng đã từ chối ông. Nhưng với tất cả mọi người, dù là người thường hay bậc vĩ nhân, điều quan trọng là sau những thất bại, chúng ta nhìn thẳng vào đó để tìm nguyên nhân và rút ra những bài học quý giá. Những kinh nghiệm ấy vô cùng quý báu, nó là tri thức cho những lần thực hành sau giúp ta thực hành thành công.
Ngày nay, cũng rất nhiều anh, chị học lớp 12 rất giỏi, khi đi thi đại học không đỗ đạt từ lần đầu. Mà phải mất một hoặc nhiều năm sau mới đỗ. Nhưng các anh, các chị cũng luôn luôn học tập với tinh thần “Thất bại là mẹ thành công” để quyết chí thành tài. Cụ thể, sau kỳ thi THPT năm 2021 chắc hẳn ai cũng biết được chàng trai phụ bếp 3 lần thi, 2 lần được điểm 10 địa lý quyết tâm chạm tay vào ước mơ trở thành sĩ quan. Dù Đức là thí sinh tự do và là 1 trong 2 thí sinh Quảng Trị đạt điểm 10 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Qua 2 lần thi THPT Đức đã không đủ điểm dù hai lần thi trước Đức thiếu 0.25 điểm nhưng Đức không nản chí, không buông bỏ và quyết tâm thi lại trong kỳ thi 2021. Mặc dù cả ngày đi học nghề đầu bếp, rồi đi làm phụ bếp ở các nhà hàng, cơ thể mệt lả. Thế nhưng, đến tối trở về phòng trọ, Đức không nghỉ ngơi mà khẩn trương ôn bài đến 1h, 2h sáng hôm sau mới chợp mắt. Giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, ngủ không đủ giấc, khiến nhiều lúc em bị căng thẳng. Kết quả không phụ lòng người, không phụ sự quyết tâm, ý chí nỗ lực không ngừng và Đức đạt điểm số khá cao 27.5 điểm.
Các bạn biết đó con đường học tập là con đường nhiều chông gai vất vả, nhiều thách thức rất khó tránh khỏi những lần ta vấp ngã và thất bại, ví dụ như ta không giải được bài toán khó, không viết được bài văn cho điểm cao, không có thể học đều các môn học, không được điểm cao trong bài kiểm tra, chẳng hạn không đạt danh hiệu học sinh giỏi do bị khống chế điểm văn. Khi thấu hiểu và hiểu rõ nghĩa câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” bản thân mỗi chúng ta không ngừng cố gắng, quyết tâm để vượt qua những thất bại tạm thời để nỗ lực hơn vì những thành công to lớn đang ở phía trước. Cho dù là người thường hay bậc vĩ nhân, điều quan trọng là sau những thất bại, chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề mà ta bị thất bại là vì đâu, để tìm nguyên nhân và rút ra những bài học quý giá cho bản thân. Những kinh nghiệm ấy vô cùng quý báu, đó là tri thức cho những lần thực hành sau giúp ta đạt kết quả như mong đợi.
Các bạn biết đó không phải lúc nào câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” là luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Không phải thất bại nào cũng là bài học kinh nghiệm, bổ sung cho ta hoàn thiện và đạt thành công. Bởi lẽ khi mục tiêu thành công của bạn đặt ra nó quá xa so với thực tế với năng lực và bạn không đủ khả năng để đạt được, hay nói cách khác là theo đuổi giấc mơ viển vông. Nhiều thất bại có thể khiến người ta suy sụp, bi quan, tuyệt vọng và không còn cơ hội để làm lại và tiếp tục theo con đường gọi là thành công ấy. Bên cạnh những người có ý chí, nỗ lực, cố gắng, kiên trì vượt qua mọi gian nan thử thách để đạt được kỳ vọng thì song song đó lại tồn tại không ít cá nhân có suy nghĩ sai lệch họ luôn đề cao sự thất bại. Họ luôn đổ lỗi cho những người xung quanh, họ sẽ đổ lỗi cho mọi thứ, thậm chí là cha mẹ họ vì đã không cho họ cơ hội để thành công trong cuộc sống. Họ cứ mải mê đổ lỗi mà không biết kiểm điểm lại chính bản thân mình nên thành công càng ngày càng xa họ.
Qua đó, mỗi chúng ta thay vì đổ lỗi để liên tiếp nhận thất bại tự bản thân mỗi người phải luôn cố gắng, kiên trì, phấn đấu để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Tại sao? Bởi vì ta biết thành công phụ thuộc vào nỗ lực, sự kiên trì và mục tiêu của bản thân mình mà thôi. Thất bại chính là động lực giúp ta vươn tới thành công. Vì thế, trước khi muốn đổ lỗi cho ai, hãy nhớ câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Người đầu tiên phải chịu trách nhiệm cho những thất bại của bạn là chính bạn, cũng chỉ có bạn mới có thể giúp bạn thành công và có một tương lai sáng lạn, hạnh phúc hơn. Khi thất bại thì đừng nên nản lòng, nhụt chí vì chính nó sẽ cứu vớt cuộc đời bạn về sau. Khi chúng ta biết chấp nhận thất bại có nghĩa chúng ta đã nhận ra những sai lầm mình mắc phải, chắc chắn lần sau chúng ta sẽ không vướng phải những sai lầm đó nữa.
Khác nhau giữa thành công và thất bại. Người thành công biết đối đấu với thất bại không bao giờ chấp nhận đầu hàng mà họ biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Con người không có ý chí rất dễ bị xã hội đào thải và chìm mãi trong thất bại đó mà thôi. Ngược lại nếu ai có ý chí, bản lĩnh không vì thất bại mà nhụt chí, họ lấy thất bại làm kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân, rút ra những bài học kinh nghiệm riêng cho mình, để từ đó vững vàng, tiếp tục vươn lên để đạt kỳ vọng và thành công như mong đợi. Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” hay câu “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là bài học vô cùng quý giá mà cha ông ta đã lưu truyền cho tới hôm nay. Trên con đường khởi nghiệp phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng ta luôn có niềm tin vững vàng, ý chí, lòng quyết tâm và bản lĩnh để có thể biến thất bại làm động lực để thúc đẩy ta bước đến thành công nhanh hơn.
Tóm lại, câu tục ngữ khuyên răn mỗi người chúng ta đừng vì thất bại trước mắt mà bỏ cuộc, nhụt chí mà hãy kiên trì và theo đuổi thành công đến cùng. Mỗi cá nhân đặc biệt là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên phải ý thức rèn luyện bản thân, nỗ lực, nâng cao tri thức của mình từng ngày để đạt được những kỳ vọng, mục tiêu trong cuộc sống. Hãy đừng ngại ngần xông pha, dù thất bại cũng ngẩng cao đầu để bắt đầu giấc mơ. Chúng ta học cách chiến thắng từ sự thất bại và không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân, vì những thất bại tạm thời là đòn bẩy cho những thành công lớn hơn ở phía trước.
Như vậy, với dàn ý chi tiết và bài làm mẫu, chúng mình mong bạn có thể tham khảo và học tốt môn Ngữ Văn Lớp 7 hơn. Chúc bạn thành công nhé!
Học môn Văn lớp 7 đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, lịch sử, và nghệ thuật ngôn ngữ. Đối với nhiều học sinh, việc tiếp cận và nắm bắt được mọi chi tiết trong bài văn, tác phẩm văn học có thể là một thách thức lớn. Áp lực từ việc phải đối mặt với nhiều câu hỏi đa dạng và phong phú về ngữ pháp kèm theo đó là bài tập làm văn cũng là điều đáng lưu ý. Nếu bạn đang cần sự hỗ trợ và tư vấn trong việc học môn Văn cho con em mình, đừng ngần ngại liên hệ với gia sư Văn lớp 7 của Trung tâm gia sư WElearn ngay hôm nay. Gia sư sẽ giúp đỡ và hỗ trợ các em trở nên tự tin và thành công trong môn học này.
Liên hệ book gia sư miễn phí:
- Hotline: 0906782291
- Facebook: https://www.facebook.com/welearngiasu
- Gmail: welearnvietnam@gmail.com
- Website: https://welearnvn.com/